Tại sao phải phát triển kỹ năng mềm cho trẻ
Bất cứ một người làm cha làm mẹ nào cũng đều có mong muốn con mình được khỏe mạnh, thông minh và luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con phát triển. Bên cạnh việc chăm sóc để con phát triển thể chất, nhiệm vụ giúp con định hướng, xây dựng và phát triển các kỹ năng sống cơ bản cũng là điều hết sức cần thiết. Thế nhưng tại sao ngay từ khi con còn nhỏ, ba mẹ lại càng phải lưu ý đến việc phát triển kỹ năng mềm cho trẻ và phát triển như thế nào để phù hợp với độ tuổi của con?
Phát triển kỹ năng mềm giúp trẻ tự tin trong giao tiếp
Người Việt luôn có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở” để nói về trình tự học của đời người. Trong những năm tháng đầu của con, ba mẹ luôn là người mong ngóng được nghe những từ đầu tiên con nói. Giai đoạn đầu, trẻ giao tiếp qua cử động tay chân, qua biểu cảm ánh mắt, qua tiếng khóc… Lớn hơn, kỹ năng giao tiếp của trẻ được hình thành và hoàn thiện dần qua ngôn ngữ, cử chỉ… Có thể khẳng định, giao tiếp là một trong những năng lực cần thiết nhất để trẻ phát triển và sinh tồn trong cuộc sống.
Vì vậy, quá trình đầu tiên của việc phát triển kỹ năng mềm cho trẻ chính là phát triển khả năng nói. Không chỉ dạy con cách nói năng lưu loát, không ngắc ngứ, mà còn dạy con nói sao cho đúng. Những câu chào hỏi đơn giản hay cách con lễ phép mỗi khi muốn xin thứ gì đều thể hiện sự giáo dục đúng đắn của phụ huynh trong cách rèn luyện trẻ nhỏ.
Sau khi trẻ có thể nắm được hết những cách giao tiếp thông thường, phụ huynh tiếp tục tạo môi trường phù hợp cho con, tạo điều kiện cho con hòa đồng với những người xung quanh, cho con cơ hội, khuyến khích con tương tác, giao tiếp với bạn bè… Từ đó, có hình thành sự tự tin, dạn dĩ một cách hoàn toàn tự nhiên, không ngần ngại đặt ra những câu hỏi để khám phá những điều thú vị của cuộc sống.
Kích thích sự tự lập, không ỷ lại trong con
Trong cuộc sống hiện đại, rất nhiều ba mẹ trẻ thường mắc sai lầm khi con chỉ cần muốn là ba mẹ liền đáp ứng. Từ đó hình thành thói quen làm nũng, đòi hỏi và nếu không được như ý muốn thì liền tỏ thái độ gắt gỏng với ba mẹ, thậm chí ăn vạ. Đây là một thói quen không hề tốt đối với trẻ nhỏ.
Ba mẹ nên nhẹ nhàng chỉ cho con thấy giá trị của những món đồ, đồng thời khuyên nhủ con nên hay không nên đòi hỏi. Giáo dục con giá trị của lao động giúp con có tính tự lập, không lười biếng, không ỷ lại vào người khác và có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Giáo dục con nhận thức về giá trị của đồng tiền và việc tiết kiệm sẽ giúp con tránh được những quan niệm sai lầm về tài chính, giúp con trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm với các quyết định tài chính cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân
Đa phần các bậc cha mẹ đều ý thức được điều này, nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng có phương pháp dạy con những kỹ năng bảo vệ bản thân đúng đắn. Sự lựa chọn thường gặp của phụ huynh đó là tìm cách nghiêm cấm con tiếp xúc với các rủi ro. Việc chỉ nghiêm cấm mà không giáo dục, trau dồi các kỹ năng bảo vệ bản thân càng kích thích tính tò mò, muốn khám phá trong trẻ và không mang lại nhiều tác dụng.
Để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân mình trước những nguy hiểm phụ huynh cần giúp trẻ hình thành thói quen và kỹ năng cần thiết. Ngoài ra cha mẹ cũng cần dạy cho trẻ biết những mối nguy hiểm và kỹ năng ứng phó với nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải trong gia đình, ở trường học và ngoài xã hội phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Kỹ năng mềm là những hành trang cần thiết của mỗi con người, giúp chúng ta ứng biến trước những tình huống trong cuộc sống. Vì vậy càng dạy trẻ những kỹ năng này sớm thì trẻ càng có thể thích ứng nhanh chóng được với môi trường xung quanh hơn. Từ đó con sẽ hình thành được những thói quen, tính cách tốt, và tự tin làm chủ được bản thân một cách dễ dàng.