
Kỹ năng mềm nào là phù hợp để phát huy hết khả năng của con?
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, kỹ năng mềm là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiếp thu và phát triển của trẻ nhỏ. Phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện để trẻ nhỏ phát huy được hết khả năng của mình trong việc lĩnh hội các kiến thức cũng như phát triển mọi kỹ năng cần thiết cho con.
Theo từ điển Giáo dục học, “kỹ năng là khả năng thực hiện đúng hành động, hoạt động phù hợp với những mục tiêu và điều kiện cụ thể tiến hành hành động ấy cho dù đó là hành động cụ thể hay hành động trí tuệ”. Có tác giả cho rằng: “Kỹ năng mềm là những kỹ năng không liên quan trực tiếp đến kiến thức chuyên môn mà thiên về mặt tinh thần của mỗi cá nhân nhằm đảm bảo cho quá trình thích ứng với người khác, công việc nhằm duy trì tốt mối quan hệ tích cực và góp phần hỗ trợ thực hiện công việc một cách hiệu quả”.
Như vậy, theo cách định nghĩa học thuật thì kỹ năng mềm dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống của con người. Đó chính là hành vi ứng xử của mỗi người, là cách tương tác với những người xung quanh, bạn bè, cách làm việc nhóm. Tồn tại song song với những yêu cầu về mặt kiến thức thì kỹ năng mềm cũng là nhân tố có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định thành công hay thất bại, hiệu quả hay kém chất lượng trong công việc và hoạt động thực tiễn sau này.
Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, 90% não trẻ phát triển trước 5 tuổi. Chính vì vậy, học ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng mềm càng sớm, trẻ sẽ càng phát triển tư duy, dễ dàng thích ứng với nhịp sống trong xã hội tương lai.
Để không lạc hậu trong thế giới đang thay đổi từng ngày, trẻ em khi đến tuổi phải đến trường, ngoài trau dồi kiến thức văn hoá, các em còn phải trang bị cho mình cả các kỹ năng mềm cơ bản.
Và theo những nghiên cứu trên lớp những học sinh cụ thể, các nhà tâm lý học đã đưa ra 6 kỹ năng mềm cần thiết giúp học sinh bắt kịp nhịp sống trong thế kỷ 21 bao gồm: tư duy phê phán và kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng giao tiếp và ứng xử; khả năng tìm hiểu và thích nghi môi trường; kỹ năng làm việc nhóm; khả năng sáng tạo và mạo hiểm và cuối cùng là khả năng hoàn thiện bản thân.
6 kỹ năng này đều liên quan và hỗ trợ cho nhau. Tìm hiểu và thích nghi với môi trường giúp trẻ thu thập tin tức, tìm kiếm thông tin xung quanh. Tuy nhiên, thông tin cần phải chọn lọc, tư duy phản biện giúp các em phân biệt và sử dụng thông tin hiệu quả. Có khả năng sáng tạo và mạo hiểm, các em có thể đưa ra các giải pháp mới và dám đưa ra ý kiến của mình, giúp vấn đề được giải quyết một cách đa chiều.
Đa phần các công việc hiện nay đều yêu cầu làm việc nhóm. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp, hợp tác là không thể thiếu. Cuối cùng, sau mỗi vấn đề hay trải nghiệm, việc tự nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để cải thiện và phát huy sẽ giúp các em tự trưởng thành và tiến xa.
Ba mẹ nếu yêu con, hãy để con được tự lập. Yêu con, hãy cho con đầy ắp tinh thần khám phá thế giới. Và nếu bạn yêu con, hãy để các con được phát triển theo yêu cầu cuộc sống của chính bản thân chúng. Và ba mẹ đừng quên tạo điều kiện tối đa giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng cần thiết, tư duy toàn diện và vững bước trên đường đời.