
Có nên phát triển kỹ năng mềm cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ
Những năm tháng đầu đời được xem là khoảng thời gian vô cùng quan trọng đối với trẻ. Tuy nhiên đây cũng là khoảng thời gian các bà mẹ than phiền rất nhiều bởi cách thể hiện cảm xúc hay cách giao tiếp chưa tích cực của trẻ. Vậy khi trẻ vẫn còn đang trong thời kỳ bất ổn về tính cách như vậy, liệu việc phát triển kỹ năng mềm cho con ngay từ khi còn nhỏ có là điều đúng đắn?
Xem thêm: Những phương pháp dạy trẻ không đòn roi mà ba mẹ nên biết
Kỹ năng mềm hay kỹ năng sống là những kỹ năng cơ bản mà con người cần có để có cuộc sống khoẻ mạnh, an toàn với chất lượng cao.
Theo kết quả nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý và giáo dục trẻ thì những năm đầu đời đặc biệt là giai đoạn 3-9 tuổi là một thời gian rất quan trọng trong việc kết nối, hình thành và phát triển các nơ ron thần kinh. Ở độ tuổi này, trẻ chưa biết biểu lộ mong muốn bằng hành vi nên người lớn thường cho rằng trẻ không biết gì. Thực ra, theo nghiên cứu thì ở giai đoạn này chính là giai đoạn trẻ trải nghiệm và phát triển trí não mạnh mẽ nhất. Trẻ tiếp nhận mọi thứ rất nhạy, vì thế rất cần một môi trường trí tuệ trung thực, trong sáng để phát triển lành mạnh.
Chính vì vậy mà ngay từ giai đoạn mầm non, trẻ cần được trang bị kỹ năng mềm để định hướng phát triển một cách tốt nhất. Việc hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt là yếu tố quyết định đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này của trẻ. Khi xảy ra vấn đề nào đó, nếu không được trang bị kỹ năng mềm, trẻ sẽ không đủ kiến thức để xử lý các tình huống bất ngờ. Việc rèn luyện kỹ năng mềm sẽ giúp trẻ sớm có ý thức làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như xã hội.
Vậy phải làm thế nào để phát triển kỹ năng mềm cho con ngay từ khi còn nhỏ?
Thật ra, ngay từ khi trẻ biết nói, cha mẹ đã dạy cho trẻ ngôn ngữ giao tiếp như “chào ông, chào bà, ạ cô, ạ chú,…”. Đó chính là kỹ năng giao tiếp đầu đời mà các em được rèn luyện. Lớn lên, khi trẻ đến trường đến lớp, mối quan hệ xã hội được mở rộng bởi ngoài gia đình, các em còn được làm quen, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô.
Vấn đề bộc lộ kỹ năng sống ở mỗi đứa trẻ là khác nhau tùy theo hoàn cảnh và độ tuổi. Tuy nhiên, để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, khi ở độ tuổi quan trọng như mẫu giáo, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị bước vào lớp 1, trẻ cần được trang bị kỹ năng sống. Hơn nữa ở độ tuổi đầu đời từ 3-9 tuổi được coi là “cửa sổ cơ hội” duy nhất để gia đình, các chương trình giáo dục, giáo viên hoặc các nhân tố khác quyết định sự phát triển toàn diện của trẻ. Đây là một “cửa sổ cơ hội” duy nhất bởi trong giai đoạn này trẻ bắt đầu định hình về mọi thứ xung quanh, tìm tòi và lý giải các hiện tượng trong cuộc sống.
Suy nghĩ của trẻ còn khá non nớt bởi thế gia đình và phụ huynh rất dễ định hướng và chỉ dẫn và tạo kiến thức nền tảng cho trẻ. Nếu được quan tâm, định hướng đúng ở giai đoạn này thì trẻ sẽ rất dễ có thể tiếp thu và làm chủ được cảm xúc, tự tin trong giao tiếp và phát triển hơn trong tương lai.